Tại hội nghị, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng cục Y tế dự phòng (bộ Y tế) nhận định, tình hình dịch bệnh trên thế giới diễn biến rất phức tạp, có khả năng xâm nhập vào Việt Nam hoặc bùng phát.
Nếu không thực hiện tốt các biện pháp kiểm soát và ngăn chặn như cúm gia cầm, Ebola, MERS, Cov, một số dịch bệnh lưu hành như sốt xuất huyết, tay chân miệng, Zika, dại, liên cầu lợn, viêm não vi rút vẫn là thách thức đối với việc giảm số mắc và tử vong.
Các bệnh có vắc xin phòng bệnh vẫn ghi nhận rải rác trường hợp mắc, có thể xảy ra các ổ dịch “vùng lõm” có tỷ lệ tiêm chủng chưa cao, không quản lý tốt đối tượng tiêm chủng. Các bệnh được người dân quan tâm như ký sinh trùng, viêm gan vi rút… vẫn ghi nhận song chưa được quan tâm đầu tư.
Nguyên nhân chủ yếu là giao lưu thương mại, du lịch, lao động mạnh mẽ giữa các khu vực, đô thị hóa, biến đổi khí hậu, khả năng kháng thuốc của vi sinh vật gây bệnh, chu kỳ dịch, vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, an toàn thực phẩm, ý thức, tập quán người dân, vùng lõm về tiêm chủng…
Từ đó, để phòng chống dịch bệnh đạt hiệu quả, năm 2017, ngành y tế tiếp tục nghiêm túc triển khai thực hiện chỉ thị của Chính phủ, công điện của bộ Y tế. Tăng cường sự chỉ đạo của các cấp chính quyền. Xây dựng kế hoạch phòng chống dịch năm 2017, nêu rõ các hoạt động cần tập trung, trách nhiệm của các sở, ngành, từng đơn vị trong ngành y tế…
Đồng thời, thực hiện tốt giám sát thường xuyên tại các cửa khẩu, cơ sở y tế và cộng đồng đảm bảo phát hiện sớm ca bệnh đầu tiên. Triển khai giám sát trọng điểm bệnh SARI, cúm, sốt xuất huyết, tay chân miệng, viêm não Nhật Bản, Zika, dịch hạch…
Cũng tại hội nghị, PGS.TS.BS Phan Trọng Lân, Viện trưởng viện Pasteur, TP.HCM cho biết, theo tổ chức y tế thế giới đánh giá, năm 2017, Zika vẫn là thách thức lâu dài, đòi hỏi tăng cường hành động, thiết lập kế hoạch đáp ứng dài hạn, liên tục. Dự báo năm 2017 sẽ gia tăng bệnh do vi rút Zika tại tất cả các tỉnh khu vực phía Nam, khả năng bùng dịch nếu không có kế hoạch giám sát và đối phó từ đầu năm, không kiểm soát triệt để véc tơ truyền bệnh.
Khó khăn thách thức cho khu vực phía Nam là bệnh lây qua véc tơ nên kiểm soát khó hiệu quả nhất. Bệnh khó phát hiện vì nhẹ và không có triệu chứng. Khu vực phía Nam có tần suất giao lưu đi lại cao, biến động dân cư mạnh, là khu vực thuộc vùng lưu hành của muỗi vằn, có ổ bọ gậy nguồn đa dạng, phong phú.
Người dân chủ động đưa con đi tiêm phòng tại viện Pasteur (Ảnh: Lành Nguyễn) |
Giải pháp để phòng chống Zika năm 2017 tại khu vực phía Nam là ưu tiên thực hiện giám sát véc tơ nhằm xác định được ổ bọ gậy nguồn, xác định được vùng nguy cơ dịch giúp chỉ đúng điểm, đúng đích để xử lý. Về chính quyền, tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, xử phạt hành chính cá nhân tập thể không chấp hành, giải quyết tổng thể về cấp nước sạch, ứng phó biến đổi khí hậu.
Đối với ngành y tế, xử lý ổ dịch khi phát hiện, triển khai chiến dịch diệt lăng quăng tại nơi có nguy cơ, truyền thông giáo dục sức khỏe. Người dân thực hiện thường xuyên thành thói quen việc diệt lăng quăng tại nhà, tự bảo vệ tránh muỗi đốt, đặc biệt phụ nữ mang thai.
Lành Nguyễn
Post a Comment