Huffington Post cho biết, theo kết quả công bố trên Tạp chí sức khỏe tâm thần trẻ em và vị thành niên của Viện Hàn lâm Mỹ, số ra tháng 2 năm 2017: Một số mô hình kết nối não ở trẻ sơ sinh cho thấy có thể dự đoán khả năng bé mắc triệu chứng sớm của bệnh tâm thần - bao gồm cả nỗi buồn, sự nhút nhát quá mức, căng thẳng và lo lắng. Những triệu chứng sớm, xuất hiện lần lượt có mối liên quan chặt chẽ với bệnh trầm cảm và lo âu ở những đứa trẻ lớn hơn và cả người trưởng thành.
Tiến sĩ Cynthia Rogers, một bác sĩ tâm thần trẻ em tại Đại học Washington ở St. Louis, Missouri, Hoa Kỳ - người dẫn đầu nhóm tác giả cuộc nghiên cứu cho biết: Mô hình kết nối não có thể chỉ ra, đối với một số trẻ em, não của chúng được phát triển theo một quỹ đạo làm tăng nguy cơ phát triển các triệu chứng sức khỏe tâm thần khi trẻ lớn lên.
Một số mô hình kết nối não ở trẻ sơ sinh cho thấy có thể dự đoán khả năng bé mắc triệu chứng sớm của bệnh tâm thần. Ảnh: Huffington post |
"Điều quan trọng cần lưu ý, những trải nghiệm và môi trường sống xung quanh trẻ khi trẻ lớn lên có thể thay đổi các mô hình kết nối đó, làm cho các triệu chứng của bệnh trầm cảm phát triển hay giảm đi”.
Mục đích ban đầu của nghiên cứu này là để điều tra mối quan hệ khác biệt giữa trẻ sinh non và những trẻ sinh đủ ngày đủ tháng. Các nghiên cứu trước đây cho rằng trẻ sơ sinh sinh non có nguy cơ lớn hơn sẽ gặp phải các vấn đề tâm thần sau này trong cuộc sống. Và các nhà nghiên cứu muốn biết liệu có sự khác biệt nào trong kết nối não của chúng.
Đầu tiên, các nhà nghiên cứu tiến hành chụp cộng hưởng từ (MRI) ở 65 trẻ sơ sinh đủ tháng và 57 trẻ sơ sinh sinh non trong những ngày đầu tiên trẻ chào đời. Hai năm sau, các nhà nghiên cứu đánh giá trẻ với những triệu chứng sớm của bệnh trầm cảm và lo âu.
Khi phân tích các hình ảnh quét não, các nhà nghiên cứu tập trung vào cách các hạch hạnh nhân - trung tâm sợ hãi của não - tương tác với các vùng khác của não.
Ngược lại với những gì Rogers dự đoán, kết quả không cho thấy sự khác biệt lớn giữa trẻ sơ sinh thiếu tháng và trẻ sơ sinh đủ tháng. Họ phát hiện ra rằng cả trẻ sơ sinh đủ tháng và trẻ sơ sinh thiếu tháng khỏe mạnh có mô hình kết nối hạch hạnh nhân tương tự như người lớn, mặc dù sức mạnh của những kết nối này đã giảm nhẹ ở trẻ sơ sinh sinh non.
Ở cả hai trẻ, các kết nối mạnh mẽ hơn giữa các hạch hạnh nhân (amygdala) và thùy nhỏ ở não trước (liên quan đến ý thức, cảm xúc); trước trán vỏ não trung gian (liên quan đến việc lập kế hoạch và ra quyết định) được liên kết với các dấu hiệu sớm của sự lo lắng và trầm cảm khi trẻ 2 tuổi.
Điều này nghĩa là có những mô hình não nhất định đã có mặt khi trẻ sinh ra - cho dù các bé được sinh ra sớm về mặt thời gian. Do vậy, có thể dự đoán nguy cơ sau này của bệnh tâm thần.
Rogers giải thích: Nghiên cứu này là một trong những nghiên cứu đầu tiên phát hiện những khác biệt chức năng trong kết nối amygdala khi sinh liên quan đến các triệu chứng sớm của bệnh trầm cảm. "Đã có một số nghiên cứu khác ở trẻ lớn tuổi và trẻ nhỏ tìm thấy sự khác biệt chức năng của các hạch này nhưng lợi thế của nghiên cứu trẻ lúc sinh là những mô hình không bị ảnh hưởng bởi những trải nghiệm mà trẻ đã có sau khi sinh."
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu chưa chắc chắn về những tác động lâu dài do sự khác biệt có thể ở trẻ sinh non và trẻ sinh đủ tháng.
"Những mô hình kết nối yếu hơn có thể làm trẻ tiếp tục có các triệu chứng của bệnh, nhưng ngay trẻ sinh non cũng có biến đổi trong kết nối. Những kinh nghiệm mà các em có sau khi sinh tiếp tục ảnh hưởng đến các kết nối amygdala với các vùng khác của não, xác định trẻ nào tiếp tục có triệu chứng trầm cảm.
Các nhà nghiên cứu dự định có thể đánh giá điều này một lần nữa khi trẻ 9 và 10 tuổi, để tìm hiểu xem bộ não của trẻ đã phát triển như thế nào theo thời gian. Từ đó đánh giá các tác động lâu dài của mô hình kết nối.
Việc hiểu được những mô hình kết nối có liên quan đến khiếm khuyết và tình cảm ở trẻ có thể giúp nghiên cứu và dự đoán những mẫu kết nối amygdala, đánh giá xem những gì trẻ đã trải qua trong bệnh viện hay trong khi còn nằm trong bụng mẹ nhằm mục đích để thay đổi.
Lan Dương
Post a Comment